Nguyên nhân hư bộ ly hợp xe máy và cách sửa chữa
Ly hợp xe số
Bộ ly hợp xe số hoạt động theo nguyên tắc lực ly tâm. Tốc độ quay của động cơ càng lớn thì lực ép lên tấm ma sát càng lớn, tổn hao ma sát do trượt càng nhỏ, xe bốc khỏe. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng, cách thức của người sử dụng mà chất lượng bộ ly hợp ngày càng kém dẫn đến hư hỏng, cần sửa chữa, khắc phục.
Dấu hiệu hư hỏng:
- Tốn xăng hơn bình thường do tổn thất công suất động cơ trên đường truyền lực.
- Xe yếu, gia tốc kém đặc biệt là khi chở nặng.
- Số nặng, khó vào, hay giắt số do búa côn không ngắt dứt khoát khi giảm ga.
- Khi chuyển số (tăng hoặc giảm), tăng tốc hoặc giảm thì xe bị giật mạnh và cần vòng tua lớn khi chuyển bánh do khoảng giữa bề mặt tấm ma sát trên búa côn với mặt trong của bát côn lớn.
- Có tiếng hú từ phía động cơ do cặp bánh răng ăn khớp giữa bộ côn trước và bộ côn sau bị rơ gây va đập và rung.
Nguyên nhân và cách khắc phục
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hỏng bộ ly hợp xe máy gồm: Mòn theo thời gian trong quá trình sử dụng, dầu máy và do người sử dụng.
Tuổi thọ trung bình của một bộ ly hợp xe số (với điều kiện sử dụng bình thường) khoảng 50.000km. Tuy nhiên, tùy theo phong cách điều khiển xe của từng người mà con số đó có thể thay đổi. Khi đó các chi tiết như bát côn, búa côn, lá côn, bánh răng đã mòn gây trượt, làm cho xe yếu và ì.
Khi thay dầu kém chất lượng hoặc dầu quá bẩn sẽ khiến các bánh răng, tấm ma sát, búa côn và bát côn bị trượt nhiều gây mòn nhanh và nóng máy. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi đổ nhầm dầu xe ga vào xe số. Mác dầu máy thường được sử dụng là 15W40 và 20W50.
Người sử dụng thường xuyên quên thay dầu định kỳ, tăng tốc ở số cao khi xe đứng yên hoặc tốc độ thấp hoặc chở quá tải đều khiến bộ ly hợp bị phá hủy trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, một số trường hợp hư hỏng là do lỗi trong quá trình sản xuất và lắp ráp của nhà sản xuất. Trường hợp này rất ít và trước đây thường gặp ở một số dòng xe Trung Quốc.
Một số hư hỏng cụ thể trong thực tế có thể kể đến như: Bánh răng côn trước, tấm ma sát trên búa côn bị mòn, chai cứng, dập, cao su giảm giật bị vỡ nát, lá côn sau bị mòn, cháy,…
* Có 3 phương án khắc phục mà người sử dụng có thể lựa chọn tùy thuộc vào tài chính của mình:
- Thay lá côn, dán lại tấm ma sát ở búa côn, láng lại chuông côn. Phương pháp này ít tốn kém nhất nhưng tuổi thọ ngắn, công suất xe không được khắc phục triệt để.
- Thay lá côn, chuông côn, búa côn. Đây là phương án thường được áp dụng do chi phí không quá lớn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tuổi thọ tốt.
- Thay mới cả bộ ly hợp. Đây là phương án tốn kém nhất nhưng lại tối ưu nhất.
Chú ý khi sử dụng và bảo dưỡng
- Thay dầu máy có độ nhớt phù hợp theo khuyến cáo của nhà sản xuất và thay định kỳ.
- Không nên chở quá tải trong thời gian dài
- Sử dụng số phù hợp với tải, tốc độ và điều kiện địa hình.
- Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đưa đến trung tâm sửa chữa càng sớm càng tốt để được kiểm tra và xử lý.
- Chỉ nên dán lại lá côn trước ở các cửa hàng uy tín, có bảo hành.
Leave a Reply