Đánh giá xe Honda Cub 70 Custom giá bao nhiêu tại Việt
Phần yên sau của xe được thiết kế vuông vức và bằng kim loại với những khe hở, không hề được bọc da và lót mút. Dường như Honda thiết kế phần yên này là để chở hàng nhiều hơn là để chở người. Yên kim loại và vuông vức cho phép người lái xe có thể chở hàng hóa dễ dàng và vững chắc hơn. Những khe hở dưới yên xe cho phép sử dụng các loại dây chuyên dụng để buộc hàng hóa.
Honda Cub không phải là một cái tên xa lạ đối với người Việt Nam. Từ những năm 80, những chiếc xe Honda Cub đã len lỏi trong đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là ở các thành phố miền Nam. Và đến những năm đầu của thập niên 90, Honda Cub đã xuất hiện tại miền Bắc.
Hiện nay, nhiều người chỉ nhắc đến Honda Cub với hình ảnh những chiếc Cub đời 81 với danh xưng mỹ miều là “kim vàng giọt lệ” hay những chiếc Cub 67 với kiểu dáng đèn tròn cổ điển cùng bình xăng trước mang nhiều dáng dấp của dòng xe café racer. Nhưng chắc hẳn ít người nghĩ đến những chiếc xe Honda Cub 70 Custom hay còn được gọi là Cub 82 với kiểu đèn vuông rất đặc trưng.
Không như những chiếc xe Honda Cub với đèn tròn và những đường nét nhỏ nhắn khác, Honda Cub 70 Custom có hình thức bên ngoài khá vuông vắn với phần đèn pha vuông nổi bật, xi nhan chữ nhật, các đường nét trên thân xe cũng đơn giản với những khối vuông từ thân xe, yên xe phía sau và phần chắn bùn. Có chăng những đường cong nhẹ trên phần cốp thân xe, yên trước và yếm xe giúp chiếc xe có phần nào mềm nét hơn.
Mặc dù có thiết kế được đánh giá khá vuông vức nhưng Cub 70 Custom lại rất được các chị em ưa dùng ngay cả từ những năm 90 cho đến ngày nay. Điều này có lẽ bởi vì trọng lượng xe khá nhẹ, phần tay lái của xe lại có biên độ quay rộng nên rất thuận tiện cho chị em khi đi lại trong thành phố. Ngoài ra, dù không được thiết kế cốp dưới yên như các mẫu xe máy đời sau, nhưng Cub 70 Custom lại được lắp thêm giỏ xe ở phía trước. Chi tiết này chính là “pha ghi điểm” của mẫu xe này với các mẹ, các chị bởi rất thuận tiện để đựng các món đồ khi đi chợ với trọng lượng không quá nặng.
Phần yên sau của xe được thiết kế vuông vức và bằng kim loại với những khe hở, không hề được bọc da và lót mút. Dường như Honda thiết kế phần yên này là để chở hàng nhiều hơn là để chở người. Yên kim loại và vuông vức cho phép người lái xe có thể chở hàng hóa dễ dàng và vững chắc hơn. Những khe hở dưới yên xe cho phép sử dụng các loại dây chuyên dụng để buộc hàng hóa.
Mang trong mình thiết kế truyền thống của những năm 80, Honda Cub 70 Custom có thiết kế mặt đồng hồ khá đơn giản chỉ với đồng hồ báo tốc độ, đồng hồ báo xăng, đèn N báo số m, đèn báo xi nhan và công-tơ-mét đo quãng đường. Ngay cả các nút bấm ở 2 bên tay lái xe cũng khá đơn giản và mang đặc trưng của dòng xe Cub như xi nhan phải trái lại là cần gạt lên xuống.
Xe sử dụng ổ khóa điện thông thường và ổ khóa cổ được tách riêng ra nằm phía bên phải dưới cổ xe. Xe cũng chỉ sử dụng lốp có xăm, 2 phanh tang trống trước sau và giảm xóc lò xo thông thường.
Trái tim giúp Honda Cub 70 Custom chuyển động là khối động cơ 70cc và hộp số 3 cấp. Vào thời điểm này, để có thể tìm thông số chính xác về sức mạnh cũng như khả năng tăng tốc của Honda Cub 70 Custom là cái gì đó khá rắc rối và khó để kiểm chứng.
Chiếc xe mà Autopro có cơ hội chạy thử là một chiếc xe Cub 70 Custom đời 96 được đăng ký vào khoảng giữa năm 1996, tính đến nay sẽ đã có hơn 18 năm hoạt động tại Hà Nội. Tuy nhiên, chiếc xe vẫn còn giữ được màu sơn khá bóng bẩy của mình mặc dù đã có những vết xước răm trên vỏ xe hay phần yếm xe đã nứt do va chạm. Phần lốc máy và vỏ máy gần như không có dấu hiệu hao mòn của thời gian. Tất cả vẫn còn quá mới đối với một chiếc xe 18 năm tuổi.
Khi vận hành thử chiếc xe, Honda Cub 70 Custom vẫn dễ dàng khởi động chỉ ngay khi phóng viên bấm đề và hơi ga nhẹ. Nhẹ chân đạp số, chiếc xe đã chuyển sang từ số N sang số 1 và sẵn sàng chuyển động. Khi vặn tay ga, động cơ 70cc với 18 năm tuổi bắt đầu thể hiện sự già cối bởi tiếng máy gằn và khả năng tăng tốc khá chậm chạp. Khi đạt đủ tốc độ, phóng viên chuyển sang số 2, lúc này xe có hiện tượng giật cục và khả năng gia tốc vẫn ì ạch như ở số 1. Tuy nhiên, từ số 2 lên số 3 thì xe lại chuyển số khá nhẹ nhàng. Tại số 3, xe đi khá êm và lướt nhưng lại khá yếu khi xe bị giảm tốc độ. Lúc này buộc lòng người lái xe phải lùi về số 2 hoặc đôi khi là số 1 để xe không bị chết máy.
Và đối với những chiếc xe này, việc tăng tốc lên 50km/h là khá khó khăn. Tuy nhiên, khi di chuyển trong thành phố thì tốc độ cao lại không phải là yêu cầu hàng đầu cho người lái xe.
Yên xe trước truyền thống của Honda Cub 70 Custom cho cảm giác ngồi khá thoải mái với phần bản yên rộng nhưng phần yên sau lại là một cái gì đó khá cứng ngắc và mệt mỏi bởi phần yên sắt cứng và to. Giảm xóc của xe cũng rất êm ái nhờ hành trình dài và không có những tiếng lọc xọc dù đã qua 18 năm sử dụng.
Tay lái nhẹ kết hợp cùng biên độ quay lớn nên Honda Cub 70 Custom cho phép người lái xe thoải mái xoay sở trên những đoạn đường đông hay trong ngõ vắng. Mặc dù thiết kế có giỏ để đồ phía trước thuận tiện để chở thêm đồ nhưng nếu mang một khối lượng đồ dùng lớn thì người lái xe sẽ gặp chút khó khăn khi điều khiển xe.
Ưu điểm lớn nhất của những chiếc xe Cub nói chung và Honda Cub 70 Custom nói riêng chính là ở khả năng tiêu thụ nhiên liệu rất thấp ngay cả trong tình huống xe phải đi trong phố. Qua chạy thử của Autopro, Honda Cub 70 Custom chỉ tiêu tốn khoảng 1,5l/100km di chuyển trong thành phố.
Hiện nay, một chiếc xe Honda Cub 70 Custom nếu còn “zin” và “ngon” thì vẫn có mức giá khoảng 20 triệu, tức là tương đương với một chiếc xe số tầm trung hiện nay. Ngoài ra, với những chiếc xe ở tình trạng kém hơn thì mức giá cũng dao động trong khoảng từ 8-15 triệu. Nếu các bạn đang cân nhắc về việc sắm thêm một chiếc xe cho mẹ, cho chị đi chợ hoặc đi lại trong phố với giá tiền không quá cao mà lại tiết kiệm nhiên liệu thì đây có thể là một lựa chọn của các bạn.
Leave a Reply